Từ vụ cháy pin năng lượng mặt trời, cần có bộ tiêu chuẩn cho hình thức này?

Mục lục

CHÁY PIN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI Ở GIA LAI. NHỮNG CAU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ QUẢN LÝ

Từ vụ cháy tấm pin mặt trời xảy ra tại Công ty cổ phần Điện Gia Lai (tỉnh Gia Lai), chuyên gia năng lượng chỉ ra nhiều bất cập trong lắp đặt, vận hành hệ thống sản sinh ra nguồn năng lượng sạch này.

Vụ cháy hệ thống điện mặt trời (ĐMT) áp mái nhà xưởng xảy ra tại Công ty cổ phần Điện Gia Lai chiều 23/9. Lực lượng Cảnh sát PCCC Gia Lai đã điều 3 xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dập lửa. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng 120 m2 tấm pin mặt trời đã bị thiêu rụi.

Nhìn nhận từ sự việc này, PGS.TS Đặng Đình Thống (Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam) cho rằng, hiện nay chưa có bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật về nguồn ĐMT nói chung và nguồn điện mặt trời áp mái nói riêng. Tình trạng này dẫn đến việc các công ty dịch vụ về ĐMT “chiều theo khách hàng” lắp đặt không theo tiêu chuẩn dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn như vụ hỏa hoạn ở Gia Lai.

Bên cạnh đó, các đơn vị điện lực ở địa phương cũng không có các tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn ĐMT, dẫn đến việc dễ dãi chấp nhận và nối lưới.

“Chưa có tiêu chuẩn cụ thể, các chủ hộ đầu tư cũng không hiểu biết về yêu cầu kỹ thuật đối với một nguồn ĐMT lắp đặt cho nhà mình nên cũng phó mặc cho công ty và điện lực địa phương. Kết quả là khá nhiều nguồn ĐMT kém chất lượng được lắp đặt, được nối lưới và đang vận hành trên nhiều địa phương trên cả nước” – PGS.TS Đặng Đình Thống nói.

Cũng theo PGS.TS Đặng Đình Thống, công tác quản lý và trình độ cán bộ điện lực địa phương về ĐMT còn yếu.

“Theo quy định, sau khi lắp đặt xong nguồn ĐMT, chủ đầu tư sẽ báo công ty điện lực địa phương đến kiểm tra kỹ thuật và các yêu cầu liên quan khác. Nếu không có vấn đề gì, điện lực địa phương sẽ cung cấp công tơ điện và tiến hành nối lưới. Nhưng trong thực tế, do chưa được tập huấn, đào tạo đầy đủ, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐMT và đặc biệt là thiếu các thiết bị, dụng cụ đo kiểm chuyên dụng nên có thể các bất cập, sai sót của nguồn ĐMT không được phát hiện. Do đó, nguồn ĐMT dễ dàng được nghiệm thu và nối lưới. Đây là một vấn đề khá phổ biến” – ông Thống nói.

Với các bất cập trên, hệ thống ĐMT sẽ có hiệu quả phát điện kém hơn và do đó hiệu quả kinh tế cũng thấp hơn. Ngoài ra, nghiêm trọng hơn là chúng còn có thể gây nhiễu hệ thống điện, làm giảm chất lượng cung cấp điện và không an toàn đối với người vận hành, sử dụng.

Cần xây dựng bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐMT

Trước những bất cập nêu trên, PGS.TS Đặng Đình Thống cho rằng, cần xây dựng và ban hành bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐMT, trong đó có ĐMT áp mái. “Trước mắt, khi chưa có bộ tiêu chuẩn, cần mở các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức và yêu cầu kỹ thuật cơ bản về ĐMT cho các điện lực địa phương và các công ty dịch vụ về ĐMT. Tăng cường công tác truyền thông về yêu cầu kỹ thuật cơ bản của ĐMT và ĐMT áp mái. Đặc biệt, cần nhanh chóng biên soạn và phổ biến rộng rãi các tài liệu hướng dẫn ngắn gọn và dễ hiểu về nguyên lý hoạt động của nguồn ĐMT, về lựa chọn thiết bị, vật tư, cũng như về kỹ thuật lắp đặt, vận hành nguồn ĐMT áp mái” – PSG.TS Đặng Đình Thống nói.

Cũng theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường trách nhiệm quản lý đối với các điện lực địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu các công trình ĐMT áp mái về chất lượng thiết bị và lắp đặt. Chỉ với các công trình ĐMT áp mái đạt các yêu cầu về kỹ thuật thì mới cung cấp công tơ và nối lưới.

Trước đó, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã ban hành văn bản số 3288/C07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống ĐMT mái nhà.

Theo đó, các hệ thống ĐMT lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC như khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không… (Phụ lục 4, Nghị định số 79/2014) phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Riêng đối với các công trình không thuộc danh mục phụ lục trên không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC.

Cục Cảnh sát PCCC cũng khuyến cáo, các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể, do đó Cục này khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể.

Về bố trí thiết bị, đơn vị này khuyến cáo các tấm pin lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40x40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m, không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra các mái qua các buồng thang bộ…

Đặc biệt, không được lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy.

Xuân Hinh

Nguồn Petrotime

 

Nếu bạn không download được file có thể là do file đã bị mất link. Khi bạn thật sự cần hãy yêu cầu form ở đây

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận